Làn da của cơ thể con người luôn có cơ chế tự phục hồi liên tục và thay thế những tế bào da mới. Tuy nhiên, do tác động xấu của môi trường, và thói quen chăm sóc da không tốt đã ảnh hưởng tới hoạt động của cơ chế này. Vậy có nên tẩy tế bào chết cho da?
1. Tẩy tế bào chết cho da
Có nhiều cách để sở hữu một làn da sáng mịn và khỏe mạnh như sử dụng dụng các loại kem dưỡng da chứa các hợp chất chống oxy hoặc tăng tổng hợp collagen hay tái tạo bề mặt da bằng tia laser…. Tẩy tế bào chết là một trong số những cách tốt nhất mà bạn có thể thực hiện tại nhà nhằm mục đích sở hữu một làn da mịn màng, sáng khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai phương pháp, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng.
Tại sao phải tẩy tế bào chết cho da? Có nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho câu hỏi này đó là:
- Vấn đề thẩm mỹ là một trong những lý do hàng đầu khiến bạn quyết tâm tẩy tế bào chết cho da. Làn da của con người luôn có cơ chế tự phục hồi và thay thế. Vì thế những tế bào da chết chưa bị bong ra có thể xuất hiện trên khắp cơ thể. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ chúng khỏi cơ thể để lộ ra làn da sáng mịn, khỏe mạnh hơn. Giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống.
- Một lý do khác là vấn đề sức khỏe của làn da. Các tế bào chết góp phần ngăn cản sự tiếp xúc của các sản phẩm chăm sóc da, làm hạn chế tác động của các sản phẩm này lên da. Loại bỏ lớp tế bào chết này chính là cách “mở đường” cho các sản phẩm chăm sóc da có thể xâm nhập vào lớp da sâu hơn mang lại hiệu quả chăm sóc cao hơn.
- Nếu làn da của bạn dễ bị mụn trứng cá, tẩy tế bào chết có thể giúp làm sạch lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu, vi khuẩn và bụi bẩn qua đó hạn chế sự xuất hiện của mụn trứng cá. Ngoài ra tẩy tế bào chết còn giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da, kích thích sản sinh collagen do đó giúp làm mờ sẹo và vết thâm hiệu quả.
Thời điểm tẩy tế bào chết cho da?
- Tẩy tế bào chết phụ thuộc và thói quen và nhu cầu của mỗi người
- Tẩy tế bào chết trước khi bắt đầu một ngày mới sẽ giúp bạn có một làn da sáng mịn, tự tin hơn khi bước vào ngày làm việc mới.
- Tẩy tế bào chết vào mỗi tối trước khi đi ngủ giúp bạn loại bỏ lớp trang điểm và bụi bẩn còn sót lại, mang đến cảm giác thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ.
- Tránh tẩy tế bào chết nếu trên những vùng da xuất hiện vết thương hở.
2. Chăm sóc da tẩy tế bào chết
Chăm sóc da trong và sau quá trình tẩy tế bào chết cũng là một công đoạn quan trọng. Để ngăn ngừa những tổn thương có thể xảy ra trong khi tẩy tế bào chết cần lưu ý một số điểm sau:
- Cần cân nhắc việc tẩy tế bào chết khi bạn đang sử dụng một số loại thuốc hoặc các sản phẩm chăm sóc da khác chứa retinoid hoặc benzoyl peroxide. Tẩy tế bào chết khi đang sử dụng các sản phẩm này có thể khiến da bị khô hoặc xuất hiện mụn trứng cá.
- Chọn phương pháp tẩy tế bào chết phù hợp với loại da của bạn. Với những người da khô, nhạy cảm có thể sử dụng phương pháp hóa học với các hợp chất thuộc nhóm alpha hydroxy acid vì các phương pháp cơ học dễ gây những tổn thương trên da. Đối với da dầu, có thể áp dụng phương pháp tẩy tế bào chết cơ học kết hợp hóa học với các hợp chất thuộc 2 nhóm alpha hydroxy acid và beta hydroxy acid. Tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần dừng ngay việc tẩy tế bào chết khi da xuất hiện những đốm sẫm màu hoặc mụn trứng cá.
- Dù áp dụng phương pháp cơ học hay hóa học cũng cần lưu ý nhẹ nhàng với làn da. Nên sử dụng những loại bàn chải có lông mềm nhẹ nhàng chà lên vùng da cần tẩy tế bào chết, còn nếu sử dụng phương pháp hóa học cần nhẹ nhàng dùng tay thoa chúng lên da sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Không được tẩy tế bào chết khi da có những vết thương hở hoặc bị cháy nắng.
- Tẩy tế bào chết có thể khiến da bị khô. Vì thế nên thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi thực hiện tẩy tế bào chết để đảm bảo độ ẩm và hạn chế những tổn thương cho da. Đồng thời, bổ sung một số loại vitamin tốt cho da như vitamin E,vitamin A,…
- Nên thực hiện việc tẩy tế bào chết theo một kế hoạch cụ thể. Ví dụ thực hiện vào sáng sớm hay mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc có thể là cả 2 thời điểm nói trên. Việc tẩy tế bào chết thường xuyên có thể giúp làn da của bạn luôn giữ được sự mềm mịn, sáng khỏe tuy nhiên nếu quá lạm dụng có thể khiến da bị kích thích hoặc tổn thương.
Quá trình tẩy tế bào chết cũng có thể gặp phải những phản ứng của cơ thể từ nhẹ như dị ứng, ngứa, đỏ da đến nghiêm trọng hơn như sưng tấy vùng da được tẩy hay các phản ứng hô hấp như khó thở, đau tức ngực. Nếu gặp phải một trong những biểu hiện trên cần lập tức xử trí như sau:
- Nếu là dị ứng nhẹ trước hết hãy dùng nước ấm hoặc sữa rửa mặt nhẹ nhàng rửa sạch vùng da bị kích thích. Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm cho đến khi hết dị ứng.
- Nếu vùng da bị kích thích đỏ và ngứa có thể sử dụng thuốc dị ứng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngay lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau: Khó thở, đau tức ngực, líu lưỡi, sưng nề mặt, đau rát cổ họng…. Đó là biểu hiện của dị ứng nặng.
3. Kết luận
Tẩy tế bào chết trên da là một trong những cách hiệu quả nhất giúp bạn sở hữu một làn da sáng khỏe, mịn màng. Quá trình tẩy tế bào chết tương đối dễ thực hiện tuy nhiên để tránh những tổn thương có thể xảy đến với da vẫn cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Bên cạnh đó trong quá trình thực nếu xảy ra bất cứ biểu hiện nào khác thường cần lập tức dừng việc tẩy tế bào chết lại, tìm đến các cơ sở có chuyên môn tốt về da liễu để được khám và xử trí kịp thời.